Việt Nam Ta Nhỏ Và To
Việt Nam Ta Là một đất nước hơi NHỎ
Trong cái Nước hơi NHỎ có một Thủ Đô thật TO
Trong Thủ Đô thật TO có những con đường rất NHỎ
Trong những con đường rất NHỎ lại có những căn nhà thật TO
Trong những ngôi nhà thật TO lại có những cô vợ thật NHỎ
Những cô vợ thật NHỎ lại dành cho những Ông Quan thật TO
Những Ông Quan thật TO đeo một cái cặp thật NHỎ
Những cái cặp thật NHỎ thường có những dự án thật TO
Những dự án thật TO nhưng hiệu quả lại thật NHỎ
Hiệu quả thì thật NHỎ nhưng thất thoát thật TO
Tuy thất thoát thật TO lại được coi là cái lỗi thật NHỎ
Vì thế Việt Nam Ta Từ Từ Biến Thành một Đất Nước Thật NHỎ
Trong cái nước rất NHỎ lại có những Ông lãnh đạo thật TO
Trong những Ông lãnh đạo thật TO lại có những cái đầu thật NHỎ
Những cái đầu thật NHỎ lại có những túi tham thật TO
Những túi tham thật TO lại có những hiểu biết thật NHỎ
Và..
Những hiểu biết thật NHỎ lại …….Gây hại cho đất nước THẬT TO

Thiện Trí (Sưu tầm)

Đến một lúc, chúng ta bỗng thông hiểu tất cả mọi quy luật của đất trời rằng không có gì là trường tồn bất biến, ngược lại chính nhờ sự biến đổi ấy mà chúng ta có những điều mới mẻ tinh khôi.
Đến một lúc, mọi giông tố mịt mùng không che nổi sự bừng sáng của con tim và mọi khổ đau buồn tủi không đánh gục được niềm lạc quan tiềm ẩn trong một tinh thần.

Chúng ta sống quá lâu trong thành kiến và định kiến hẹp hòi cùng với lòng kiêu mạn đứng chen chân trong một ngôi nhà bản ngã.

Đến một lúc, chúng ta cần phải bước ra khỏi cửa để được ngắm nhìn toàn bộ sự mênh mông và bát ngát của đất trời.

Đến một lúc, chúng ta cảm nhận được niềm vui khi tấm lòng rộng mở và trái tim thắp sáng lên niềm tin yêu cuộc sống.

den-mot-luc-1

Đến một lúc, chúng ta nhìn lại và cười nhạo vào những trò hề do chính mình tạo ra và chúng ta trở nên lặng lẽ để thấy rõ sự cần thiết của tĩnh tại tâm hồn.

Chúng ta chợt nhận thấy quy luật sâu xa của cuộc sống hạnh phúc không chỉ là đón nhận mà còn phải là sự cho đi.

Đến một lúc, cảm thấy ngập tràn hạnh phúc không phải vì chúng ta vớt lên được cái gì đó từ dòng nước mà chính là quăng bỏ bớt cho dòng nước cuốn trôi.

Đến một lúc, chúng ta hiểu được sự thật của niềm vui không phải là ở đỉnh vinh quang hay ngọn núi ngập hoa vàng mà chính là từng bước chân thảnh thơi và được ngắm hoa cỏ dại trên đường.
Chúng ta chợt nhận ra rằng hạnh phúc không phải ở đâu xa mà chính là sự mãn nguyện trong từng phút giây hiện tại.

Khi đã trải qua bao nhiêu buồn vui thương ghét, bao hi vọng chán chường, bao thành công thất bại, đến một lúc chúng ta chợt nhận thấy rằng tất cả mọi sự đời đến và đi, có rồi không dường như chỉ là một tuồng ảo hóa.

Chúng ta cảm thấy mọi lý luận, ngôn từ đều thừa thãi, thay vào đó chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt hoặc một tình thương nồng ấm dẫu chỉ là của người khách qua đường cũng đủ làm cho ta ấm lòng và tươi vui hơn trong cuộc sống.

Đến một lúc, chúng ta thấy tuổi trẻ của mình chỉ toàn là ước mơ cùng với nỗ lực vào tương lai hun hút, và đến lúc già đi thì luôn hồi ức tiếc thương một dĩ vãng đã xa rồi.

Trong một đời người ngắn ngủi chúng ta đã đánh lỡ đi bao sự sống nhiệm mầu trong thực tại đơn giản.

Đến một lúc, chúng ta hiểu ra rằng duy chỉ có tình thương, chứ không phải có bất cứ thứ gì khác giúp con người thiết lập được trật tự mới và hòa bình cho nhân loại..

Mọi dòng sông đều chảy ra biển cả, mọi con đường chân lý đều hướng về nẻo đạo vô biên và mọi yêu thương chung cuộc đều đạt đến chân phúc…

Đến một lúc, chúng ta cần phải dọn đất trồng hoa trên mảnh vườn của mình không nên mỏi mòn chờ đợi ai đó mang hương sắc đến dâng cho.

Tất cả mọi hành động của ta chỉ là những đợt sóng lăn tăn trên mặt biển nhưng trong lòng đại dương sâu thẳm vẫn còn đó sự lặng lẽ bình yên.

Đến một lúc, chúng ta cảm thấy những việc làm thường nhật phải là niềm vui cho sự sống hàng ngày chứ không phải là sự bắt buộc hay là một quán tính khô khan, máy móc của đời mình.

Hiểu ra rằng bản ngã ích kỷ thường khiến mình nhìn thấy lỗi lầm, sự xấu xa của người khác hơn là chính bản thân mình.

Chúng ta thường che đậy và bảo vệ mình khỏi tổn thương nhưng vô tình điều ấy là tự ôm chất độc và giết chết bản thân mình.

Đến một lúc, chúng ta cảm thấy sự tha thứ, bao dung là món quà tặng vô giá và cần thiết mà con người có thể trao tặng cho nhau không bao giờ cạn.

Khi chúng ta thấy mình tham vọng quá lớn trong khi đời người thật ngắn ngủi, đó là lúc mình hiểu ra hành trang cho lộ trình vạn dặm không phải là những gì có thể nắm bắt bên ngoài mà đó là yếu tố tâm linh bất diệt bên trong.

Đến một lúc, chúng ta hiểu con đường tâm linh thì tuyệt đối đơn độc, không ai có thể đi theo dẫu đó là người thân yêu nhất.

Chúng ta cảm nhận những khoảnh khắc tĩnh lặng nhỏ bé của tâm hồn quý giá hơn cả những tài sản được cất chứa chung quanh là lúc chúng ta định lượng được giá trị chân thật của một kiếp người.

Chúng ta hiểu rằng cần phải thánh hóa đời sống hơn là chạy đi tìm thiên đường ở chốn xa xăm.

Đến một lúc, chúng ta cảm thấy không sợ hãi địa ngục hoặc một thế lực tối cao, nhưng bằng trí tuệ tuyệt vời, chúng ta thấy rằng vạn pháp vốn là không và số phận tùy thuộc vào khả năng giác ngộ của chính mình.

Chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản trước những mất mát, đau thương vì lòng nước thanh lương có thể cuốn trôi đi bao hệ lụy và có thể đưa chúng ta đến bến bờ rạng rỡ của ngày mai..

Bù hung phá lấu,
Sâu rợm chiên dừa,
Đĩa trâu, bóp giấm,
Trùng đài nước mấm,

Trùng hổ rô ti,
Bột bán ca ri
Ãnh ương sào hẹ
Muốn cho thơm nhẹ,

Bỏ ba lá chanh,
Rắn lục cườm xanh,
Nấu canh với bún,
Đứa nào chịu khó,

Đâm mớ đậu nành
Bắt còng quay chảo,
Cơm rượu ưa thảo,
Bù xít gói nem,

Kêu bớ cô em,
Xé thêm mớ nháy
Bóp tái thòi lòi
Cơm nấu còn ngòi

Đừng cho chín lắm,
Chuồng hôi chuồng mắm
Ở dưới hộp bơ,
Lấy chổi mà quơ

Ba con mồng chó
Bỏ vào vô đó
Nấu lộn tương ta,
Đãi khách phương xa

Ăn chơi một bữa,
Kiến hôi kiến lửa
Xào lộn với đường,
Để cho kiến nhường

Và ăn la sét
Bánh tét nhưn mây
Số một đây……!

Ăn không được phải không các bạn…?! Vậy thì nhìn…và vui nhé…..!

Nguyễn Bảo Thành
(Bút danh: 5 nhằn, 5 lửa, 5 la “ California ” )

Suy nghĩ về bài thơ “Đường tắt” của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cô bé 16 tuổi.

Bạn sẽ chọn con đường nào cho mình?

  • Đề bài: Suy nghĩ của anh (chị) từ bài thơ ” Đường tắt” của Đặng Chân Nhân:
    Luôn có một con đường ở trước bạn
    Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
    Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
    Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
    Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào.
    Nhưng
    Con đường nhỏ ấy
    Nó bỏ qua rất nhiều thứ
    Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
    Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
    Nó không làm cho bạn tốt hơn
    Và nó luôn là con đường sai.
    Nhưng
    Con người vẫn đi con đường nhỏ ấy
    Những kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
    Những kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
    Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
    Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học
    Liệu chúng có thể tồn tại?

Đặng Chân Nhân
(Sinh năm 1993)

Bài làm

Có một sự thật luôn tồn tại mà ai cũng biết: rằng nhiều kẻ bằng “ô dù”, bằng nịnh nọt, bằng cách này hay cách khác mà trèo lên được chức vụ cao, làm ông to bà lớn, ung dung hưởng kết quả mà lẽ ra phải đánh đổi bằng rất nhiều cố gắng nỗ lực. Ai cũng biết và ai cũng bức xúc. Ai cũng bức xúc nhưng không ai dám nói to. Không ai dám nói to nhưng người ta thì thầm “ông ấy… bà nọ…” và ai cũng tặc lưỡi “biết rồi”. Nói như Đặng Chân Nhân là ta đã quen nhìn nhiều người đi “Đường tắt”

“Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào”

Mở đầu bài thơ “Đường tắt”, Đặng Chân Nhân mở ra trước mắt ta hai con đường với hai viễn cảnh hoàn toàn trái ngược dù nó cũng dẫn tới một đích. Con đường dài là biểu tượng cho hành trình gian khó, phải trải qua bao gian nan thử thách mới có thể gặt hái được thành công. Còn con đường ngắn – đường tắt lại là ẩn dụ cho một hành trình ngắn hơn với những luồn lách, thậm chí gian trá để có thể được hưởng thành quả. Đặng Chân Nhân đã xây dựng một tương quan hoàn toàn đối lập: một bên dài – một bên ngắn; một bên đầy bão tố thử thách – một bên “không có chướng ngại vật nào” và “không tốn thời gian”. Đánh vào tâm lí sợ khổ, sợ cực của con người, việc lựa chọn đường tắt quả là có một sức cám dỗ rất lớn.

Nhưng, cái gì cũng có giá của nó!

Lửa thử vàng, phải trải qua khó khăn con người mới có thể trở nên cứng cáp, phát huy hết năng lực bản thân, thậm chí bộc lộ những năng lực tiềm ẩn. Ta có thể sẽ vấp ngã rất đau nhưng giá trị là những bài học thu về. Đi trên con đường dài, vất vả song sẽ giúp ta ngày một trưởng thành hơn. Ta có quyền tự hào vì những gì tự mình gây dựng lấy. Niềm vui, niềm hạnh phúc khi đạt được thành quả cũng trở nên trọn vẹn.
Và như thế có nghĩa là, khi chọn đi con đường tắt, người ta đã bỏ qua tất cả những điều tuyệt vời đó

” Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn”

Tôi nghĩ, thứ mất đi có lẽ không chỉ có chừng ấy. Đường tắt dễ đi nhưng lệ phí để đi con đường ấy thực không nhỏ chút nào. Muốn đi đường tắt, người ta phải dùng không biết bao nhiêu là thủ đoạn, hoặc là khom gối mà xin, hoặc là cướp trắng trợn thứ đáng lẽ thuộc về người khác. Hay nói đúng hơn, họ phải bán rẻ nhân cách, bán rẻ những giá trị người của chính mình. Kẻ dám bán có hai loại: kẻ trộm và kẻ lừa dối. Bán đi rồi thì còn lại những gì?

“Kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học”

Đúng là đi đường tắt thì cái gì cũng dễ. Đi dễ, thành công dễ và mất cũng dễ. Mà đã mất là mất hết. Vì không có năng lực thực sự thì không khả năng giải quyết các yêu cầu công việc ở vị trí đó. Họ lúc nào cũng sống trong lo sợ sẽ có người hạ bệ mình, lúc nào cũng bất an, lúc nào cũng phải tìm cách lấp liếm sự kém cỏi. Nhưng, dù sớm hay muộn, họ chắc chắc cũng sẽ bị lật tẩy.


Câu hỏi cuối bài thơ vang lên đầy day dứt: “Liệu chúng có thể tồn tại?”. Đây có thể cũng là một lời nhắc nhở, một lời cảnh báo. Đặng Chân Nhân khẳng định đường tắt “luôn là con đường sai”. Nó chỉ đem đến thành công trước mắt mà không thể duy trì lâu dài, hơn nữa cái giá phải trả cho nó là quá lớn. Không chỉ với một người mà với cả cộng đồng, với cả kẻ đi dường tắt và người lựa chọn đường dài. Vì thành công bằng lối tắt là không công bằng với những người đã và đang nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình. Nó sẽ khiến những người có năng lực thực sự mất niềm tin, hao mòn ý chí phấn đấu và nhiệt huyết cống hiến cho xã hội. Không dừng lại ở đấy. Hậu quả của nó còn khủng khiếp hơn rất nhiều.
Hãy là một phép nhẩm đơn giản. Rằng những người đi đường tắt thì thường ngồi lên chức vị cao. Ngồi ở chức vị cao thì đưa ra những quyết sách quan trọng. Nhưng vì không có năng lực nên quyết sách quan trọng hay bị sai lầm. Một quyết sách sai lầm thì hậu quả nặng nề của nó cả cộng đồng phải gánh chịu. Hơn nữa những kẻ đi đường tắt sẽ khiến cả xã hội mất cân bằng ghê gớm. Chính vì đi đường tắt, không có năng lực thực sự, nên những kẻ ấy luôn cố gắng tìm cách che đậy sự kém cỏi của mình. Nhu cầu ấy sẽ kéo theo một loạt tệ nạn khác trong xã hội: mua quan bán chức, mua bằng, thi hộ… Những cái giả cứ thế lên ngôi, các giá trị cũng bị làm giả một cách trắng trợn. Niềm tin cũng theo đấy đổ vỡ. Xã hội bị gặm rỗng từ bên trong.


Ta phải nhìn thằng vào sự thật: rằng ngày càng có nhiều người muốn đi đường tắt. Từ cậu học trò không học nhưng muốn thi đỗ nên giờ bài quay cóp cho đến ông bộ trưởng nào đấy với cái bằng trị giá nghìn đô. Nó không ở một cá nhân mà đang lây lan trong cộng đồng như một thứ bệnh dịch. Gần đây người ta xôn xao vì clip ghi hình giám thị đáp bài cho thí sinh, thí sinh ngang nhiên giở tài liệu chép trong kì thi tốt nghiệp THPT. Nó trắng trợn quá. Và sự trắng trợn ấy đã diễn ra từ rất lâu rồi. Vì sao? Vì ai cũng muốn đi đường tắt. Đường tắt đã nhân bản muôn hình vạn trạng trong cuộc sống.
Không phải tự dưng mà những kẻ đi đường tắt có thể tồn tại. Không có người dung túng mở đường thì liệu những kẻ đó có thể đi được? Và, chúng còn được tiếp sức bởi chính cộng đồng. Vì chúng ta thích những thứ hào nhoáng, quá coi trọng bằng cấp mà quên đi giá trị thực sự bên trong. Tâm lí ấy dường như đã ăn sâu vào con người chúng ta.

Hãy thay đổi.

Vì dẫu biết những kể đi đường tắt sớm muộn cũng bị lật tẩy, bị thay thế nhưng cho đến lúc ấy thì không biết đã kịp gây ra bao nhiêu hậu quả. Có thể khắc phục nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian mà không thể phục hồi nguyên trạng ban đầu. Cùng giống như xây nhà vậy hãy xây cẩn thận ngay từ đâu còn hơn xây rối và sau này phải hì hục sửa chữa,chắp vá.
Bài thơ “Đường tắt” của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cậu bé 15 tuổi. Bởi nó đã vạch ra, phân định rõ ràng cho ta thấy bản chất đúng – sai giữa hai con đường, hai sự lựa chọn, giữa sống giả và sống thật.
Và bạn, bạn sẽ chọn con đường nào?

Hoàng Quỳnh Phương
(Lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi – đường Ngô Quyền – thành phố Hải Dương – tỉnh Hải Dương)