Bức Tâm Thư !
—000—
Lương y Phan Văn Nghiệp
Kính gửi: Tất cả bệnh nhân và mọi người !
Sau hơn hai năm đã trôi qua, Thầy đã về đây khám và chữa bệnh cho tất cả những bệnh nhân gần xa trong tỉnh nhà ( Bến Tre ) của mình, và cũng đã gặt hái được biết bao những thành quả đạt được, là đã mang lại sức khỏe thật sự cho biết bao nhiêu con người. Thầy thật sự rất vui mừng vì điều đó. Vui mừng bởi vì mình đã làm được một điều mà mọi người trên thế gian này đều hằng mơ ước, đó là sức khỏe. Sức khỏe là vàng, là câu nói của Ông Bà ta đã để lại, nó đúng với bao đời, bao kiếp cho chúng ta. Bởi sức khỏe là sự tồn tại và chính sự tồn tại khỏe mạnh của chúng ta đã tạo ra biết bao nhiêu giá trị về vật chất lẫn tinh thần cho nhau.
Nhưng hôm nay, chắc có lẽ mọi người sẽ thắc mắc vì sao Thầy viết lên Bức Tâm Thư này phải không?! Vâng, Thầy viết lên với bao nỗi suy tư và trăn trở của Thầy đã từ bấy lâu nay nhưng chưa đủ duyên để Thầy có dịp sẻ chia đến với mọi người. Nỗi suy tư ấy đó là: Kiếp nhân sinh của chúng ta, trong đó đã chứa đựng biết bao hạnh phúc và đau khổ của chúng ta. Thầy đã thầm nghĩ những điều này, suy tư những điều này, và Thầy cũng đã tư duy rất nhiều trong những đêm thiền định của Thầy rằng: Sự có mặt của khổ đau? là vì sao khổ đau? Rồi ta giải quyết nó ra sao? Và làm sao ta có được một đời sống an vui và hạnh phúc, đạt được hai giá trị của cuộc đời người, đó là Thân và Tâm?!
Và tất cả những câu hỏi ấy đã đưa Thầy đến một con đường của ngày hôm nay. Một con đường giải quyết cái đau khổ cho mình và cho người và trước tiên Thầy đã giải quyết được một việc, đó là thân đau khổ. Thân đau khổ bởi vì nó đang bệnh hoạn, đang đau đớn hằng ngày với từng cơn, từng đợt. Nhưng đó mới chỉ đạt được một nửa của con đường mà Thầy hằng mong ước. Điều tâm niệm quan trọng nhất là Thầy vừa khám bệnh, chữa bệnh về thân nhưng bên cạnh Thầy khát khao chia sẻ với mọi người bằng đôi lời, bằng những bài pháp có giá trị thật sự đi vào đời sống của mọi người, đó là những bài pháp về nền tảng đạo đức Nhân Bản Nhân Quả được đến với mọi người một cách có hiệu quả, một cách rất thiết thực….?! Nhưng thời gian đã trôi đi, bệnh nhân càng ngày càng đông, bệnh tật càng ngày càng nhiều, mỗi khi Thầy về thì thời gian có hạn và sự đợi chờ của mọi người trong nao núng và Thầy đã không thể nào chia sẻ được, đó là một sự nghẹn ngào của Thầy, một điều gì đó mà Thầy đã làm chưa đúng với nguyện ước của mình, thật xót xa…!
Vì sao Thầy lại muốn chia sẻ với mọi người ?! Trải qua một cuộc sống, một đoạn đường mà Thầy đã đi trong đó được học hành về chữ nghĩa, chuyên môn từ ghế nhà trường, được học và chứng kiến những gì đã và đang xảy ra ngay trước mắt cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Và điều may mắn hơn mọi người rằng: Thầy được đi trên một con đường tu học và tìm ra tất cả những bí ẩn của cuộc sống đang diễn ra mỗi ngày, chi phối chúng ta từng giờ, từng phút giây không ngừng nghỉ. Vâng, tất cả là nỗi suy tư, nỗi trăn trở của Thầy khi đã nhận ra những giá trị chân thật đó và cứ nguyện ước rằng: mong sao mang được những điều chân thật này đến với mọi người một cách gần gũi nhất, hiệu quả nhất để mọi người ứng dụng vào đời sống của mình và có được một đời an vui, hạnh phúc…
Và hôm nay, Thầy viết ra đôi lời này thay cho những buổi chia sẻ mà Thầy không có thời gian dành cho mọi người và mọi người hãy tư duy, xem xét một cách thật sâu sắc rồi hãy ứng dụng vào đời sống của mình. Nếu thấy nó không đúng, thì đừng vội tin và áp dụng. Nếu đã dành thời gian tư duy, quán xét và thấy nó đúng, thì hãy ứng dụng ngay vào đời sống của mình, kẻo không kịp đó Quý vị…! Ở đây, Thầy không ép buộc ai hết, tự mỗi người nhận ra và ứng dụng, tự mỗi người chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm, đã gây ra cho dù đó là vô tình hay cố ý. Tất cả là tự ta làm cho ta hạnh phúc, tự ta làm cho ta đau khổ và không ai có quyền ban phước hay giáng họa cho ta bởi nhân quả rất công bằng, rất nghiêm minh và vay thì phải trả, thế đó…!
Thân bệnh, do đâu mà ra?
Tất cả mọi người trong chúng ta có ai thầm nghĩ đến điều này chưa? Vì sao ta bệnh? Vì sao ta khổ? Vì sao ta không hạnh phúc giống người kia? Vì sao ta mắc căn bệnh nan y, Ung Thư…và vô số câu hỏi được đặt ra ngay trong cuộc đời của mình, của mỗi bản thân chính ta và từ đó ta sẽ tìm cái lời giải cho mình và cao hơn nữa ta giúp người giải những bài toán khó của cuộc đời, của kiếp nhân sinh đầy đau khổ như thế này…
Thưa Quý Vị,
Bệnh do nghiệp mà ra, vậy nghiệp do đâu mà ra?
Nghiệp chính là do ý thức của ta đã tạo ra cái hành động của ta mà ra. Vậy thân ta đang bệnh, là kết quả của những gì mà ý thức, suy nghĩ của ta đã đưa đến cái hành động của ta và ngày hôm nay thân ta đau đớn, bệnh hoạn và đang chịu những cái khổ đau kia.
Thầy mở rộng thêm ý này cho mọi người dễ hiểu:
Ví dụ: Hôm nay ta cắt cổ con gà và con gà chết trong đau đớn. Vậy cái hành động cắt cổ con gà đó được gọi là nghiệp đã tạo ra. Và cái hành động cắt cổ con gà đó là do ý thức, suy nghĩ của ta đã quyết định để cho cái hành động kia thực hiện. Từ đó, chúng ta đã thấy: từ ý thức, suy nghĩ của ta đã đưa đến cái hành động của ta và tất cả những điều đó ta gọi là nghiệp.
Vậy hành động cắt cổ con gà đó có liên quan gì đến bệnh tật của ta ngày hôm nay? Thầy xin chia sẻ với mọi người bằng đôi mắt nhân quả khi nhìn nhận vấn đề này:
– Thứ nhất: Hành động cắt cổ con gà chết trong đau đớn. Cái đau đớn của con gà ta có thấu hiểu? Con gà hay con người, Đức Phật gọi chung là chúng sinh! Vậy một chúng sinh đang làm một chúng sinh đau khổ, vậy hành động đó được gọi là nghiệp đã gieo tạo cái đau khổ cho chúng sinh kia. Vậy chúng sinh kia chết trong đau khổ thì một ngày nào đó, ta cũng chết trong cái đau khổ như chúng sinh kia, theo luật nhân quả. Nhưng vì con gà cũng đang thọ nghiệp đau khổ từ những hành động của nó trước đây, nên nó đã mang thân con gà để cho chúng ta trả lại món nợ đó, đó cũng là nhân quả. Nhưng con gà thì đang trả nghiệp, ta thì đang gieo nghiệp ( tức là đang vay). Vậy ta vay thì bao giờ trả? Vì con gà cũng là loài chúng sinh nhưng nó là loại thú vật bậc thấp nên không thể mạng đổi mạng với con người được. Do đó, ta giết con gà là một hành động được tích góp trong một chuỗi đời sống của chúng ta. Nhiều hành động như thế được gom góp thì nợ ta vay sẽ bắt đầu được trả. Sau khi cảm sốt, bệnh hoạn, cổ họng ta đau, ta hãy nhớ xem và đó chính là nghiệp đau cổ họng được trả bởi hành động đã từng giết con gà kia. Đó là nhân quả công bằng!
– Thứ hai: Thịt con gà khi chết ta ăn. Ăn là một hành động, mà hành động thì tạo ra nghiệp và nghiệp sẽ làm cho ta thọ khổ ( tức là bệnh tật của hôm nay). Ta biết rằng: khi con gà bị chết, trước khi nó chết nó rất sân hận kẻ giết nó, ngay lúc này ta sẽ thấy nó giẫy giụa, kêu la chứ nó không nằm yên cho ta giết. Do đó, ta biết rằng nó rất sân hận và từ sự sân hận đó đã đi vào máu thịt của nó và ta đã ăn miếng thịt đó. Miếng thịt đó đã chứa đầy sân hận và ta đã ăn vào và cùng cơ thể ta vận hành và cũng đã góp phần cho một đời sống của ta luôn có cái nóng tính, đôi khi là một nỗi hận thù với ai đó, để tạo tác cho ta thành một chuỗi nghiệp lực khi có dịp và hành động để ta phải thọ khổ. Khi người có máu sân hận, thì sự tha thứ bao dung của ta không còn nữa, dẫn ta đến một đời sống thiếu yêu thương, chia sẻ. Từ máu hơn thua, sân hận đã làm cho ta sống một đời sống giận hờn, ganh tị, ích kỷ và tất cả những điều này đã làm nên một nhân cách của ta. Đó là kiếp sống luân hồi: vay trả, trả vay; tử rồi sinh, sinh rồi tử…. Đó là nhân quả công bằng!
– Thứ ba: Thịt con gà ấy đang bị nhiễm dịch, H5N1…ta ăn vào ta lãnh đủ và đôi khi đưa ta đến tử vong. Ta cũng biết rằng, xã hội càng đông người, nó càng phức tạp, con người không thể quản lý hết được nó và đôi khi những cơ quan chức năng không sao kiểm soát hết tất cả và ngăn chặn được tất cả những dịch bệnh có mầm móng và xảy ra. Những lúc đó, ta ăn vào lãnh đủ bản án của đời ta… Đó là nhân quả công bằng!
Trên đây, Thầy vừa phân tích chỉ một hành động cắt con cổ gà mà tất cả đã đưa ta đến một hệ lụy đau khổ như thế. Vậy trong đời sống của ta, còn có biết bao những hành động khác, mỗi ngày và mỗi phút giây ta tạo ra không ngừng nghỉ và cho đến hôm nay, thân ta bệnh tật đau nhức, đó là ta đang trả cái đau đớn của những gì ta đã từng gieo cái đau đớn cho người và loài vật kia. Chúng ta phải nhìn nhận cái chân thật ấy để rồi ta có cách để hóa giải đời ta, chọn lấy một lối sống cho đời ta, để mong sao ta có được một cuộc sống yên vui, hỷ lạc….!
Trở lại vấn đề Thầy đã phân tích ở trên về hành động cắt cổ con gà, tất cả những gì Thầy vừa nói, nó chỉ trả vay của cái hiện tại, tức là về mặt thân thể và vật chất. Vậy thì hành động ấy, tâm linh của đời ta diễn biến ra sao dưới con mắt của nhân quả. Nghĩa là những điều ta làm, nó dẫn ta đến một nẻo đường như thế nào trong nẻo luân hồi mà Đức Phật đã từng dạy ta?!
Vậy, nhân tiện đây, Thầy giải thích luôn cho mọi người được rõ những diễn biến của tâm linh, kiếp tái sinh của ta trong nẻo luân hồi, trong cái bao la của vũ trụ này:
– Thứ nhất: Hành động cắt cổ con gà kia, được gọi là nghiệp ( như Thầy đã giải thích ở trên ). Đức Phật đã xác nhận với ta rằng: Nghiệp đi tái sinh, chứ không phải linh hồn đi tái sinh! Từ đó, ta được hiểu rằng, hành động cắt cổ con gà ấy là nghiệp và nghiệp sẽ tái sinh. Nghiệp ấy lập tức tái sinh thành con gà khác, chính là hành động của ta. Vì sao tái sinh ngay lập tức như thế? Vì theo luật Đồng Thanh Tương Ứng, Đồng khí Tương Cầu của vũ trụ và theo sự cân bằng của nhân quả, sự Vô Thường của vũ trụ thì lập tức được chuyển đổi từ dạng này qua dạng khác. Thí dụ: ta cầm một cái ly, ta đập bể một cái ly thì ngay lập tức cái ly ấy thành miểng chai, nó không chờ thời gian và không gian gì cả ( nghĩa là cái ly không còn nữa mà nó đã thành miểng chai ngay lập tức ). Ấy thế, ta cũng vậy, ngay lập tức hành động của ta thành con gà khác đã tái sinh để mang thân con gà và thọ khổ để cho mai kia con gà ấy lớn lên cho người ta giết lại, cắt cổ lại và trả lại những gì mà ta đã làm. Đó là nhân quả công bằng! Ta cũng từng được học theo thuyết của Niuton (Newton), mà bây giờ người đời gọi đó là khoa học. Niuton đã nghiên cứu và chứng minh rằng: Vật chất tan ra thành năng lượng và năng lượng sẽ tạo thành vật chất. Thế đó, mỗi người trong chúng ta tự suy ngẫm về điều này, có hay không, đúng hay sai chỉ để dành cho những ai có tư duy, có thấu hiểu! Dù quan niệm ta có nói rằng: nó không có, nhưng sự thật thì đang vận hành như thế và ta được quyền bác bỏ, nhưng sự thật ta đang chịu đựng và bị chi phối bởi những điều đó. Mong mọi người hãy tư duy, quán xét cho thật kỹ xem và tự chọn cho mình một lối sống, một đời sống: không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sinh. Được như thế, chính là thánh nhân, chính là chứng đạt được Lòng Từ Bi và Trí Tuệ!
– Thứ hai: Cũng từ hành động trên mà ta mang thân bệnh, đau đớn ngay nơi đời sống hiện tại của ta ( như Thầy đã phân tích ở trên )
Để làm rõ những vấn đề trên, Thầy sẽ nói rõ hơn về nhân quả và từ đó ta có cái nhìn về nhân quả thấu đáo vào đời sống của chúng ta:
Nhân quả là gì?
Nếu nói theo nghĩa của thảo mộc, thì nhân là cái hạt, còn quả là cái trái. Nói theo nghĩa của loài người thì nhân là việc làm, quả là kết quả, là hậu quả. Giải nghĩa như thế có đúng không quý vị?
Một việc làm ác thì hậu quả sẽ chịu lấy quả khổ đau.
Ví dụ: Một người ăn trộm lấy của cải tài sản của người khác thì kết quả sẽ bị người ta bắt đánh đập và tù tội, tương lai người ấy cũng bị trộm cắp tài sản. Đó là nhân quả hiện tại và tương lai của Ông A làm, Ông A phải chịu.
Một người ăn trộm lấy của cải, tài sản của người khác khiến cho người mất của cải, tài sản và khổ đau. Từ nghiệp của người tham lam lấy của cải, tài sản và từ trường nghiệp của người bị mất của cải, tài sản hợp chung lại thành một từ trường tương ứng với người có tâm tham lam và sợ mất của cải hợp duyên sinh ra một người khác để chịu quả báo đau khổ và bị người khác lấy của cải, tài sản. Đó là nhân quả hiện tại Ông A làm mà Ông B phải chịu quả khổ đau.
Như ví dụ ở trên Thầy đã nói: Một người bắt gà làm thịt, khi hành động cắt cổ con gà, con gà đau đớn giẫy giụa kêu la, nhưng không thoát khỏi bàn tay hung ác của con người, cuối cùng con gà chết để trở thành thực phẩm cho con người. Hành động cắt cổ con gà là nhân ác, còn con gà bị giết đau đớn giãy giụa kêu la là quả khổ. Hành động cắt cổ con gà kia là nhân ác, là nghiệp ác. Nghiệp ác ấy tương ứng sinh ra con gà để trả quả bị cắt cổ. Đó là nghiệp Ông A làm mà Ông B phải chịu quả khổ đau.
Còn con gà bị giết đau đớn giãy giụa kêu la là nghiệp quả khổ. Nghiệp quả khổ tương ứng vào bản thân người cắt cổ con gà nên phải chịu quả bệnh tật nơi thân đau nhức, đau nơi cổ họng. Đó là nghiệp của Ông A làm, ông A chịu trong hiện kiếp. Nếu Ông A cứ giết gà tiếp tục thì nghiệp quả ác tưng ứng vào cận tử nghiệp, khi bỏ thân này Ông A phải tái sinh thành nhiều gà, vịt, heo, dê, v.v…để trả quả giết hại. Trong khi đó Ông A vẫn còn sống nhưng những hành động ác của ông vẫn tiếp tục đi tái sinh luân hồi làm thân gà, vịt, heo, dê, bò, ngựa…để trả nghiệp ác.
Quý vị có thấy nhân quả thảo mộc không? Mặc dù cây cam mẹ còn sống và rụng hạt, hạt đủ duyên kết hợp với đất, nước, gió, lửa mà thành cây cam con và cây cam con lớn lên và vẫn đâm cành ra bông trái, và tiếp tục sinh sôi này nở trong khi cây cam mẹ vẫn còn đó. Cây cam con đang mọc và lớn lên kia đâu có chờ cây mẹ chết đi rồi mình mới sinh ra hay nẩy mầm.
Đức Phật đã dạy và khẳng định với ta rằng: nghiệp đi tái sinh chứ không phải linh hồn đi tái sinh. Linh hồn không có và cũng có tồn tại dưới dạng bóng ma hay quỷ dữ mà trong vũ trụ chỉ tồn tại dưới dạng từ trường và năng lượng. Sự chuyển thể từ dạng này qua dạng khác ngay lập tức và tùy theo duyên tan, duyên hợp của nó. Đo đó, Đức Phật cũng dạy ta rằng:
Không làm những điều ác,
Hãy làm những điều lành,
Tự tâm ý thanh tịnh
Đây lời chư Phật dạy
Vì hành động ác chính là nghiệp ác sẽ tạo ra từ trường và chính từ trường này sẽ tương ưng để thọ quả đau khổ. Hành động lành cũng chính là nghiệp lành và tạo ra từ trường để tương ưng và thọ quả an vui, hạnh phúc. Cho nên mọi vật trên thế gian này đều sinh ra từ nhân quả, có vật gì mà được sinh ra ngoài nhân quả đâu?
Mọi vật được sinh ra từ nhân quả, đều do duyên hợp tạo thành, mà đã là duyên hợp tạo thành thì không thể nào ra khỏi quy luật sinh diệt của nhân quả. Vì thế, nhân quả trùng trùng duyên khởi, trùng trùng duyên sanh, trùng trùng duyên diệt. Do đó, mọi vật đều phải theo quy luật: thành, trụ, hoại, không của nhân quả. Không một vật gì thường hằng vĩnh viễn trên hành tinh này. Cho nên, nhân quả là một bi hài kịch đang diễn xuất theo quy luật vận hành sinh diệt của vũ trụ, vì không hiểu nên chúng ta đã lầm chấp cái ta, cái bản ngã nên bị luân hồi mãi mãi….!
Dưới lăng kính nhân quả, Thầy có tội và không tội khi trị bệnh không ?
Thầy có tội khi trị bệnh:
– Dưới đôi mắt và cái nhìn bình thường thì cho rằng: hãy làm phước và cứu giúp người là có phước. Trường hợp này đúng với điều kiện người được cứu giúp ( bệnh nhân ) sau khi lành bệnh là người sống tốt cho gia đình và xã hội. Còn ngược lại, sau khi Thầy cứu chữa cho người kia hết bệnh và họ tiếp tục một đời sống, một lối sống làm khổ mình và làm khổ người khác thì Thầy có tội. Nghĩa là sự đau buồn, đau khổ của người này do hành động từ Ông A, mà Ông A là do Thầy cứu lành bệnh. Trường hợp này, Thầy như kẻ tiếp tay để cho Ông A làm cho người khác đau khổ. Do đó, Thầy sẵn sàng trị bệnh, sẵn sàng chia sẻ hết tất cả những gì Thầy có thể, hầu mang lại sự bình an cho con người vì tình người thì Thầy mong rằng mọi người hãy thương Thầy là đừng làm khổ mình và đừng làm khổ người khác sau khi Thầy đã xuất hiện trong cuộc đời của người đó. Vì tội của người đó làm là trực tiếp, còn Thầy mang tội gián tiếp cùng người đó. Và từ đó, nhân quả cũng tìm cách ngăn cản Thầy không được tiếp tục con đường cứu chữa bệnh nữa, duyên chúng sinh cùng Thầy từ từ cũng chấm dứt và từ đó, có thể là bản án của nhân quả sẽ trừng phạt cho Thầy vì những ngày tháng vô minh mình đã tạo, đã từng lầm tưởng cho rằng đó là phước báu, nhưng thực ra đó là tạo nghiệp ác. Trường hợp này là nhân Ông A làm, hậu quả là Ông A và Ông B cùng chịu. Nếu thương bản thân mình, thương Thầy thì hãy tư duy và quán xét cho thật kỹ những lời Thầy đã nói, để chúng ta có một lối sống, một cuộc sống đầy an vui và hạnh phúc.
Thầy không có tội khi trị bệnh mà còn cùng nhau được phước báu:
Thầy đã chọn một con đường cứu chữa, khám bệnh cho mọi người bằng một tình yêu thương và chia sẻ. Thầy đi trên con đường này không vì danh, không vì lợi ích của riêng tư. Tất cả xuất phát từ tấm lòng yêu thương giữa con người và con người, mong sao cho mọi người luôn có được cuộc sống bình an và hạnh phúc. Từ đó Thầy đã quyết định dùng nghề nghiệp của mình đem ra để cứu giúp và chia sẻ thay vì là mua bán, trao đổi hay kinh doanh. Thầy đã cố gắng rất nhiều trong công việc, trong kinh doanh, trong giảng dạy từ sáng sớm cho đến cả đêm hầu ước nguyện có được những thu nhập để rồi mang ra và chia sẻ cùng mọi người. Những suy nghĩ đó, không có tư lợi cho riêng mình. Một con người ai cũng có những nhu cầu, tham muốn, tham vọng cho riêng mình rằng: ta cố gắng làm bằng mọi cách để giàu sang, để được những công danh và sự nghiệp cho đời mình và con cháu mai sau. Cái suy nghĩ ấy rất là hợp lý cho một kiếp nhân sinh, một kiếp làm người nhưng nó vẫn còn trong cái giới hạn của riêng ta, chưa phải là vô hạn, bao la….
Những khắc khoải cho kiếp nhân sinh rằng: sống và chết? đi đâu và về đâu? Đến và đi là một đề tài muôn thuở mà nhân loại luôn phải trăn trở và suy tư. Thầy cũng không ngoại lệ và từ đó Thầy đã cố gắng học hỏi, tìm cầu, nghiên cứu và cuối cùng may mắn thay, Thầy đã chọn cho mình một con đường tu học và những năm tháng gian truân, cuối cùng Thầy cũng tìm ra được những lời giải cho những câu hỏi đầy bí ẩn của kiếp nhân sinh.
Từ sự thấu hiểu đó, Thầy đã chọn con đường này: con đường chia sẻ, khám bệnh và cứu giúp về thân thể cho mọi người; thông qua Thầy được tiếp cận để chia sẻ cho mọi người về tinh thần, về tâm lý, về lối sống và xa hơn là về nền đạo đức nhân bản – nhân quả của Đức Phật, hầu mang đến với mọi người bằng một con đường thiết thực ngay trong giữa đời sống này. Ta đang làm việc của yêu thương mang đến cho người hầu mong rằng người nhận lấy cái yêu thương đó để tư duy, xem xét và thay đổi một lối sống, một cách sống có thể là đã từng ích kỷ, nhỏ nhoi, ganh tỵ….và nay chuyển hóa nó thành một trái tim bao la: biết chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau !. Đó là hạnh nguyện của Thầy, nó như một khát khao cháy bỏng luôn canh cánh bên lòng!
…Ta đến đây theo lời xưa hẹn ước,
Trái tim này dâng hiến trọn cho đời,
Vô lượng kiếp dìu nhau chung nhịp bước,
Vạn nẻo đường nhân thế mộng đầy vơi….!
Thầy giúp đỡ người, người được khỏe và bình an. Sau đó, người giúp đỡ và chia sẻ người khác và nhiều hơn thế nữa. Từ đó, Thầy được phước, người đã được hóa giải nghiệp và được phước. Từ đó, tất cả chúng ta đều sống trong an vui, hòa bình và hạnh phúc. Trường hợp này là hạnh nguyện của Thầy, là khát khao của Thầy, có thể Thầy bỏ mạng vì thân này để được làm những điều này, Thầy sẵn sàng và cam lòng….!
Duyên nhân quả và gặp nhau!
Mọi người có mang nghiệp ác để có thân thể bệnh tật này nhưng mọi người cũng có vô số nghiệp lành! Từ vô số nghiệp lành này đã hội tụ lại và tương ưng với từ tường của những ai phát ra cái hạnh nguyện lành kia, từ đó tạo thành một cái duyên hợp lại và được sẻ chia. Cái đó, chúng ta thường gọi đó là đủ duyên. Đủ duyên mới có được một phòng khám và được mọi người ủng hộ, đủ duyên nên ta được duy trì và phát triển trên sự hài hòa, hài lòng từ mọi người.
Do đó, Thầy viết lên những lời này như một lời nhắc nhở mọi người rằng: tất cả đều do duyên hợp lại mà thành. Muốn thành tựu tốt đẹp lâu bền, thì mỗi người hãy tạo ra những ý niệm tốt lành để có được hành động tốt lành, duyên sẽ ấy được lâu bền, hội ngộ và cùng nhau hưởng những niềm an vui và hạnh phúc. Ngược lại mọi người thờ ơ, xem thường và luôn tạo ra mọi ác nghiệp, thì một ngày nào đó vùng đất ta đang sống, nơi ta đang ở sẽ trở nên đau khổ, thảm thương và không có một bóng người nào đó từ xa về đây để ban bố hay sẻ chia. Vì chúng ta đã đốt đi cái phước báu của chính ta bằng sự thờ ơ, xem thường, hay phỉ báng…..
Thầy nhắc lại một lần nữa cho quý vị được rõ rằng: phòng mạch của Thầy không phải là nơi kinh doanh, mua bán kiếm lời. Mà là nơi chia sẻ những nỗi khổ niềm đau cho mọi người về thân và tâm. Sự đóng góp của quý vị hiện tại chỉ là một phần chia sẻ cùng Thầy cho những gì hoạt động và chi tiêu mua thuốc men. Hằng ngày, hằng tháng, Thầy phải làm việc rất vất vả để có được những kinh phí, công sức để bù đắp vào cho phòng mạch được trường tồn, chia sẻ cùng mọi người những gánh nặng, những khó khăn và đau khổ kia. Đó là tấm lòng của Thầy, mong mọi người đừng thờ ơ hay xem thường về những điều đó….!
…Một cuộc đời, một tình thương,
Ta đến đây với bao lời hẹn ước,
Như ánh trăng soi sáng những đêm về,
Như mặt trời lung linh ban ánh sang,
Và ta, lặng lẽ bước từng ngày…!
Chúng ta hãy nhìn rộng ra ngoài xã hội, mọi người đang sống và đối xử nhau như thế nào? Sự toan tính của con người ngày nay đã đến mức báo động. Những ngành nghề được xem là bậc Thầy của xã hội như: Giáo dục và Y tế ngày nay cũng đã đánh mất đi cái bản chất cao đẹp của nó. Hình như tất cả đang được xem như món hàng, mua bán và kinh doanh. Ai mạnh người đó được, ai yếu người đó thua. Ai có cơ hội là lợi dụng tối đa để khai thác hằng mong được những quyền lợi cho riêng mình. Bất chấp những hoàn cảnh, những tiếng la kêu cứu của những người đáng thương và cần cứu giúp.
Vì tất cả đều do nhân quả chi phối, một con người hạnh phúc hay khổ đau đều do chính ý thức và hành động của mình. Một xã hội cũng vậy, hạnh phúc hay khổ đau đều do chính xã hội ấy tạo ra như thế nào để rồi gặt hái như thế đấy, trong đó con người là diễn viên chính để hình thành.
Viết lên đây với tất cả tấm lòng, thiết tha mong muốn mọi điều tốt luôn đến với mọi người. Như một lời kêu gọi: mọi người hãy biết sống yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau để chúng ta có được một cuộc sống bình an và hạnh phúc theo định luật nhân quả tương tác và vận hành kia!
Cái này có bởi cái kia có, mọi yếu tố kết thành một giá trị !